16/08/2022 04:56

Xuất huyết não ở người trẻ không có dấu hiệu cảnh báo

Ngày 11/8, bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 30 tuổi, đột ngột đau đầu dữ dội, sau đó dần lơ mơ, hôn mê. Người bệnh được chẩn đoán bị đột quỵ dạng xuất huyết ở màng não.

Phim chụp CT cho thấy một túi phình mạch máu đã vỡ, chảy máu lượng nhiều ở màng não. Các bác sĩ đã can thiệp bằng dụng cụ để nút túi phình cầm máu, sau đó dùng thêm thuốc điều trị nội khoa. Bệnh nhân được can thiệp sớm, đáp ứng điều trị, hiện ổn định sức khỏe và xuất viện, không có biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh cần tái khám định kỳ để ngừa bệnh tái phát.

Trường hợp khác là nam bệnh nhân 40 tuổi nhập viện muộn, túi phình quá lớn, máu chảy ồ ạt lượng nhiều khiến hôn mê sâu, não tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù các bác sĩ đã thực hiện nhiều biện pháp điều trị, nhưng người bệnh không qua khỏi.

Xuất huyết não ở người trẻ

Bác sĩ can thiệp nút túi phình mạch máu não vỡ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não, là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn, hình thành cục máu đông chèn ép (nhồi máu) hoặc bị vỡ (xuất huyết). Tỷ lệ tử vong vì đột quỵ ở Việt Nam là 32%, riêng xuất huyết não lên đến 40%.

Tình trạng xuất huyết gây tổn thương nhiều và nhanh hơn nhồi máu, khiến bệnh nhân phù não, chèn ép các vùng não khác, đặc biệt là trung tâm não, thân não khiến nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu bệnh nhân được cứu sống, cũng phải đối mặt với nguy cơ cao bị di chứng như yếu liệt, tàn phế, bác sĩ Hải cho hay.

Với đột quỵ, khoảng 80% là nhồi máu não, còn lại là xuất huyết. Mỗi năm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng điều trị khoảng 4.000 ca đột quỵ, gồm khoảng 1.000 ca xuất huyết, trong đó 150-200 bệnh nhân có túi phình mạch máu (vỡ và chưa vỡ).

Trong xuất huyết, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp lâu năm. Trước đây, đột quỵ chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, nhưng gần đây, tỷ lệ người trẻ - dưới 40 tuổi có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 10-15%.

Điều đáng lo ngại là ở nhóm bệnh nhân trẻ, thường không tìm được nguyên nhân chính xác gây đột quỵ. Như ở nữ bệnh nhân trên không có bệnh nền hay yếu tố nguy cơ đột quỵ, không có dấu hiệu cảnh báo trước đó, cũng chưa từng phát hiện có túi phình mạch máu. Thỉnh thoảng chị có đau đầu - các cơn đau những người bình thường vẫn gặp khi mắc các bệnh thông thường.

Đây cũng điều gây khó khăn cho các bác sĩ khi điều trị dự phòng, ngăn người bệnh tái đột quỵ. Các bác sĩ phải áp dụng nhiều biện pháp để tìm nguyên nhân, từ đó mới có phương án phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, ở người trẻ tuổi, dù khả năng hồi phục tốt hơn người cao tuổi, do sức trẻ và cơ địa, nhưng nếu bệnh nặng gây tàn phế, tâm lý người bệnh dễ bị ảnh hưởng, thậm chí trầm cảm, không tha thiết sống khi chất lượng cuộc sống thay đổi đột ngột. Do đó, ngoài điều trị trong giai đoạn cấp cứu, các bác sĩ ưu tiên điều trị tâm lý và tập vật lý trị liệu sớm, ngay ngày đầu tiên sau khi tình trạng ổn định. Giai đoạn 2-3 tháng đầu sau đột quỵ, người bệnh có khả năng phục hồi tốt nhất.

Xuất huyết não ở người trẻ

Một nữ bệnh nhân 25 tuổi bị đột quỵ, từng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Hải, tỷ lệ người có túi phình mạch máu chỉ chiếm khoảng 0,3-3% tổng dân số. Những người dễ bị dị dạng, phình mạch máu thường là người có bệnh lý liên quan như đa nang ở thận, gan; bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường; hoặc gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) có tiền sử bị tai biến mạch máu não, phình mạch máu não. Một số túi phình bẩm sinh nhỏ và lớn dần theo thời gian. Tùy kích thước, vị trí, hình dạng, mức độ nguy hiểm của túi phình và nguy cơ vỡ của chúng mà bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp phù hợp. Trong đó, không phải túi phình nào cũng sẽ vỡ hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Chi phí để tầm soát túi phình mạch máu và dị dạng mạch máu khá cao, khoảng vài triệu đồng. Thêm nữa, bệnh này diễn tiến âm thầm, không có dấu hiệu đặc trưng nên rất khó phát hiện. Việc chụp MRI hay CT bình thường sẽ không thấy rõ mạch máu, phải dùng thuốc cản quan. Thuốc này có nguy cơ gây dị ứng, bệnh nhân suy thận nếu dùng thuốc này có thể khiến tình trạng suy thận nghiêm trọng hơn. Vì thế, các bác sĩ không khuyến cáo tất cả người dân đi tầm soát dị dạng mạch máu não.

"Những người có yếu tố nguy cơ, hoặc có cơn đau đầu nhiều lần, đột ngột, có dấu hiệu thần kinh như lơ mơ, yếu liệt nửa người... mới cần tầm soát", bác sĩ Hải nói.

Riêng các trường hợp có triệu chứng đau đầu đột ngột, dữ dội, ói mửa, tri giác lơ mơ, tê nửa người, tay chân yếu dần, khó nói, méo miệng, nửa mặt rủ xuống... cần nhập viện ngay. Nhập viện càng sớm, khả năng được cứu sống và giảm thiểu di chứng càng cao.

Để đẩy lùi đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các bệnh liên quan đến đột quỵ, như đái tháo đường, tăng huyết áp. Đặc biệt người có bệnh nền tim, mạch máu bẩm sinh cần duy trì tái khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị.

Người trẻ cũng cần thay đổi lối sống, như hạn chế hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử, các chất kích thích, đồ uống có cồn... thay vào đó là chế độ dinh dưỡng, vận động khoa học, lành mạnh để phòng tránh đột quỵ.

Thư Anh

Tags:

xuất huyết não

đột quỵ

Bệnh viện Đà Nẵng

đột quỵ ở người trẻ

Câu chuyện sức khỏe

Bệnh học

Phổ biến kiến thức

Tin cùng chuyên mục