Phát hiện hóa thạch trứng lớn nhất thời đại khủng long 66 triệu năm trước
Các nhà khảo cổ học ở Đại học Texas mới đây đã phát hiện quả trứng lớn nhất trong thời đại khủng long, nghi ngờ là của “quái vật biển” khổng lồ sống tại nam Cực cách đây 66 triệu năm.
Mẫu hóa thạch được phát hiện ở Nam Cực là quả trứng lớn nhất trong thời đại khủng long thống trị Trái đất. (Ảnh: AFP)
Theo Reuters, các nhà khoa học Mỹ vừa tìm thấy một hóa thạch 66 triệu năm tuổi tại Nam Cực, được xác định là trứng của một loài bò sát biển khổng lồ sống cùng thời với khủng long. Đây là quả trứng có kích thước lớn nhất trong thời đại khủng long và lớn thứ hai trong lịch sử được ghi nhận, chỉ xếp sau trứng của loài chim voi ở Madagascar đã tuyệt chủng vào thế kỷ XVIII.
“Đây là quả trứng hóa thạch đầu tiên được tìm thấy ở châu Nam Cực, đồng thời cũng là quả trứng vỏ mềm lớn nhất từng được phát hiện từ trước đến nay”, ông Lucas Legendre, chuyên gia ngành cổ sinh vật học của Đại học Texas, đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Được tìm thấy trên bờ biển đảo Seymour ở Nam Cực vào năm 2011, nhưng chỉ đến hiện tại, các nhà khoa học mới xác định được rằng vật thể này là một quả trứng với đường kính 30 cm. Được biết, nhóm nghiên cứu của Đại học Texas đã sử dụng kính hiển vi điện tử và các thiết bị quang phổ và nhiễu xạ tia X để đi đến kết luận rằng đây là một quả trứng có vỏ mềm, tương tự như của các loài rắn và thằn lằn ngày nay.
Do không có phôi thai bên trong, các nhà khoa học hiện chưa thể xác định chính xác loài bò sát nào đã đẻ ra quả trứng này. Theo giả thiết của nhóm nghiên cứu, quả trứng này có thể thuộc về một loài bò sát cổ đại hiện chưa được phát hiện, được đặt tên là Antarcticoolithus bradyim. Môi trường sống chủ yếu của chúng là ở dưới nước, với kích thước lớn tương tự như loài bò sát biển sống cùng thời như Mosasaur và Plesiosaur.
Dựa theo kích thước của quả trứng hóa thạch, nhóm nghiên cứu ước tính Antarcticoolithus bradyi có chiều dài cơ thể lên tới 6m.
Theo giả thiết của nhóm nghiên cứu, quả trứng này có thể thuộc về một loài bò sát cổ đại hiện được đặt tên là Antarcticoolithus bradyim. (Ảnh qua Genk)
Giống khủng long, bò sát biển Antarcticoolithus bradyim có thể đã tuyệt chủng vào 66 triệu năm trước, sau khi một thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất, khiến 3/4 sinh vật sống bị xóa sổ hoàn toàn.
Vào thời điểm cách đây hàng chục triệu năm, đảo Seymour không có băng bao phủ như hiện tại. Nhiệt độ tại khu vực vào thời điểm đó cũng ấm áp hơn nhiều, với những cánh rừng nguyên sinh bao phủ phần lớn diện tích đất liền. Đây là môi trường thuận lợi cho các loài bò sát sinh trưởng.
Lương Phong(t/h)Xem thêm:
Tags:triệu năm trước
Tin cùng chuyên mục