Cha mẹ cần chú ý những căn bệnh trẻ nhỏ thường mắc phải khi giao mùa
Giao mùa là điều kiện thuận lợi để các virus gây bệnh phát triển, do đó trẻ em có thể sẽ mắc phải các căn bệnh như cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm đường hô hấp...
Viêm đường hô hấp
Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại vi rút dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ và phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ, nhất là hệ hô hấp làm cho trẻ bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi.
Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Trẻ có thể sốt cao đột ngột, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ...
Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là tình trạng sưng và chất nhầy tích tụ trong đường dẫn khí phổi nhỏ nhất. Bệnh xảy ra do một loại vi rút phát triển mạnh vào mùa thu đông, có ảnh hưởng đến trẻ em, chủ yếu dưới hai tuổi. Vi rút thường lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi và họng của người mang vi rút.
Do đó, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú ít, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị.
Cảm cúm
Cảm cúm cũng là một trong những căn bệnh trẻ nhỏ thường hay mắc phải khi giao mùa. Sự khởi phát bệnh cúm thường đột ngột, các triệu chứng như sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau nhức cơ, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt nhẹ (đỏ mắt, ngứa) kèm theo nôn ói, tiêu chảy.
Nếu được phát hiện sớm, một số loại thuốc kháng virus như Tamiflu có thể hữu ích. Thuốc hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trong 48 giờ đầu của các triệu chứng. Cách phòng ngừa cúm tốt nhất là tiêm phòng cúm.
Sốt phát ban
Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ.
Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của bé sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.
Sốt xuất huyết
Đây là bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm. Trẻ sốt cao đột ngột và liên tục (39-40 độ C) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu... Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh ly nhiễm do một loại vi rút mang tên Varicella Zoster (VZV) gây ra. Biểu hiện của bệnh chỉ xuất hiện sau 10 - 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Giai đoạn đầu, trẻ có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ... sau đó sẽ xuất hiện những nốt hồng ban, phỏng nước,... Sau 2-3 ngày mụn có thể đóng vẩy.
Để phòng tránh cho trẻ khỏi mắc các căn bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo khi chuyển mùa, cha mẹ cần nâng cao thể trạng của trẻ thông qua ăn uống, bổ sung vitamin theo lứa tuổi.
Đồng thời, hướng dẫn trẻ rửa tay, thậm chí là rửa các đồ chơi của trẻ, không được ngậm đồ chơi. Cùng với đó, thường xuyên, cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước. Ở nhà nếu cảm thấy không khỏe để ngăn ngừa virus lây lan.
Tags:Cha mẹ cần chú ý những căn bệnh trẻ nhỏ thường mắc
chăm con đúng cách
lưu ý khi chăm sóc trẻ
Tin cùng chuyên mục