14/09/2022 06:00

Các nguyên nhân gây ù tai

Người bị ù tai thường nghe có âm thanh chuông rung, tiếng vo ve, huýt sáo, tiếng rít bất thường ở một bên hoặc trong hai tai. Với âm vực cao hoặc thấp, âm thanh có thể xảy ra liên tục hoặc gián đoạn và thường dễ nhận thấy vào buổi đêm hoặc khi ở không gian yên tĩnh. Triệu chứng có thể xảy đến tạm thời hoặc diễn tiến dai dẳng, mạn tính và thường liên quan đến bệnh mất thính giác. Chứng ù tai có thể được kiểm soát bằng cách nhận biết triệu chứng và hiểu đúng về bệnh.

Theo Hiệp hội Ù tai Mỹ, chứng ù tai có thể ảnh hưởng sức khỏe tổng thể và chất lượng sinh hoạt ở người. Bệnh có thể gây lo lắng, buồn phiền, thay đổi tâm trạng và đau tai. Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các vấn đề về giấc ngủ và thiếu tập trung. Đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Những nguyên nhân dưới đây thường gây ra ù tai.

Bệnh lý tai mũi họng: Người có quá nhiều ráy tai, kẹt dị vật trong tai, nhiễm trùng tai hoặc xoang có thể bị ù tai.

Tác dụng phụ của thuốc: Bệnh nhân đang hóa trị, dùng aspirin, thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm... cũng có thể bị chứng ù tai do tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Âm thanh giống như ù tai phát ra từ một cơ quan trong cơ thể: Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Thư viện Y tế quốc gia (Mỹ), tiếng ồn của chứng ù tai có thể là âm thanh phát ra từ tim hoặc vùng cơ xương khớp hàm. Vùng tim có thể đang bị phình động mạch hoặc vùng khớp thái dương hàm đang có vấn đề bệnh lý.

Bệnh lý nội thần kinh: Các yếu tố sức khỏe liên quan đến nội thần kinh cũng có thể làm thay đổi hoạt động của vùng tai, gây ra ù tai như khối u não, bệnh đa xơ cứng, chấn thương đầu, lo lắng hoặc trầm cảm.

Thường xuyên tiếp xúc tiếng ồn: Theo các nghiên cứu, tần suất tiếp xúc với tiếng ồn cũng là yếu tố nguy cơ gây ù tai. Người thường xuyên làm việc và tiếp xúc môi trường ồn ào như tiếng âm thanh máy móc trong nhà máy, tiếng nhạc lớn trên sân khấu... thường dễ bị ù tai.

Bên cạnh đó, một số yếu tố sức khỏe liên quan khác cũng có thể gây ra bệnh lý này như bệnh tim mạch, thay đổi nội tiết tố, huyết áp cao, tiểu đường hay các vấn đề về tuyến giáp.

Khi bị ù tai do các bệnh lý liên đới gây ra, người bệnh có thể bị giảm thính lực hay nhạy cảm quá độ với âm thanh như dễ bị khó chịu với tiếng đóng cửa hoặc tiếng sách rơi. Nếu cảm thấy khó chịu bởi âm thanh trong tai kèm những triệu chứng khác, bạn nên cân nhắc thăm khám để bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân. Người bị chấn thương vùng đầu nếu gặp phải chứng ù tai kèm chóng mặt, yếu cơ vùng mặt... nên được cấp cứu.

Bạn có thể kiểm soát chứng ù tai thông qua bằng cách bảo vệ đôi tai khỏi các tác nhân gây ra triệu chứng như sử dụng thiết bị bảo vệ thính giác (như bịt tai và nút tai khi đang trong môi trường ồn ào), sử dụng thiết bị âm thanh cá nhân âm lượng và thời lượng vừa đủ, sử dụng nút bịt tai chuyên dụng khi chơi nhạc cụ. Bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ về thành phần thuốc trước khi sử dụng, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

 

Tags:

ù tai

bệnh tai mũi họng

Tin cùng chuyên mục