15/07/2022 05:47

Bộ Giáo dục giảm 18 tiết mỗi năm khi Lịch sử có phần bắt buộc

Điều chỉnh được Vụ trưởng Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết trong thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi cho báo chí tối 12/7. Trước đó một ngày, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12.

Bộ Giáo dục giảm 18 tiết mỗi năm khi Lịch sử có phần bắt buộc

Vụ trưởng Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Dương Tâm

Kế hoạch này là nhằm đáp ứng yêu cầu môn Lịch sử cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn được nêu trong nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6.

Dự kiến, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp, chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết mỗi năm thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình từ 70 thành 52 tiết mỗi năm để đảm bảo phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Theo chương trình ban hành năm 2018, học sinh học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh học thêm năm môn lựa chọn. Các môn này được chọn trong ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Với việc Lịch sử có phần bắt buộc, các trường xây dựng tổ hợp chỉ bốn môn lựa chọn thay vì năm. "Các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên để điều chỉnh giảm một môn trong các tổ hợp năm môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua", ông Thành nói và cho biết chỉ cần điều chỉnh giảm một môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ học sinh có còn cần phải chọn ít nhất một môn trong mỗi nhóm trên hay không.

Mỗi môn lựa chọn có thời lượng 70 tiết/năm học. Khi giảm một môn và bắt buộc học 52 tiết Lịch sử, số tiết được giảm là 18, tức chỉ còn 997 thay vì tổng 1.015 tiết mỗi năm.

*Xem chương trình môn Lịch sử cấp THPT ban hành năm 2018

Trước lo lắng chất lượng chương trình và kế hoạch giảng dạy môn Lịch sử bị ảnh hưởng khi Bộ chỉ có một tháng để điều chỉnh, ông Thành chia sẻ việc nghiên cứu để điều chỉnh tinh giảm chương trình môn Lịch sử 70 tiết mỗi năm thành phần Lịch sử bắt buộc 52 tiết đã được Bộ đề nghị Ban phát triển chương trình môn Lịch sử nghiên cứu từ sau khi có đề xuất môn học này trở thành bắt buộc.

Vụ trưởng Giáo dục Trung học cũng khẳng định chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết mỗi năm không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình 70 tiết mỗi năm học đã được xây dựng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc thực hiện sẽ bảo đảm tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành.

Tương tự, việc bồi dưỡng giáo viên cũng đã được thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai trong năm học 2022-2023. Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên đã bảo đảm năng lực để thực hiện.

"Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương trong quá trình điều chỉnh chương trình để nắm chắc hơn và kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới", ông Thành nói.

Trong một khảo sát VnExpress thực hiện hồi đầu tháng 5, gần 6.500 trong số 8.197 người được hỏi (chiếm 79%) ủng hộ đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở cấp THPT như cũ. 1.730 người (21%) đồng ý giữ Lịch sử là môn lựa chọn trong chương trình mới.

Bộ Giáo dục giảm 18 tiết mỗi năm khi Lịch sử có phần bắt buộc

Kết quả khảo sát của VnExpress.

Là giáo viên dạy Sử, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng môn Sử, trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM), đánh giá những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý.

Theo thầy Du, thời lượng 52 tiết Sử mỗi năm tương đương chương trình hiện hành của lớp 10 và 12. Do đó, thay đổi này không ảnh hưởng nhiều và giáo viên đủ khả năng giảng dạy. Ngoài ra, năm học 2022-2023 sắp tới, chương trình mới áp dụng với lớp 10, các trường vẫn đủ thời gian tuyển dụng, bố trí nhân sự khi chương trình được triển khai tại toàn bậc THPT.

Thầy Du cũng gợi ý cách vừa có thể đảm bảo thời lượng dạy Sử và không phá khung chương trình cũ. Chẳng hạn có thể tìm nội dung tương đồng, kết hợp phần kiến thức lịch sử trong môn Giáo dục quốc phòng an ninh, Nội dung giáo dục địa phương với môn Lịch sử nhằm điều chỉnh thời lượng của những phần bắt buộc này, trong khi vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cho học sinh.

"Tương tự khi Bộ đưa một số nội dung của chương trình cũ vào phần giảm tải, chương trình vẫn liền mạch, giáo viên và học sinh vẫn dạy và học. Việc điều chỉnh và thiết kế chương trình phù hợp không phải điều bất khả thi, nhất là khi Bộ rất có kinh nghiệm trong việc này", thầy Du nói.

Năm học mới sẽ bắt đầu trong hơn một tháng nữa, sự thay đổi trong kế hoạch dạy môn Lịch sử THPT gây lo ngại có thể khiến các giáo viên rơi vào thế khó. Thầy Du cho rằng "giáo viên vui nhiều hơn lo". "Vấn đề mấu chốt là môn Sử được nhìn nhận đúng đắn, nên với tâm thế như vậy, giáo viên sẵn sàng đón nhận khó khăn", thầy giáo nói.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018), giáo dục phổ thông được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam. Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tùy chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.

Việc Quốc hội yêu cầu Lịch sử có cả phần bắt buộc và lựa chọn được đưa ra sau khi lắng nghe nhiều tranh cãi xoay quanh việc đưa Lịch sử thành môn lựa chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong khi nhiều chuyên gia ủng hộ, một số đại biểu quốc hội và Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng Lịch sử cần trở thành môn bắt buộc bởi môn học này giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động cho thế hệ trẻ, giúp các em có thái độ ứng xử đúng đắn trong xã hội.

 

Tags:

môn Lịch sử

bắt buộc học Lịch sử

chương trình giáo dục phổ thông mới

Tin nóng

Tin cùng chuyên mục